Giá xăng E5 RON92 và xăng RON95-III được giữ ổn định

Tuần qua, Liên Bộ Công Thương và Tài Chính điều chỉnh giá xăng dầu, theo đó giá xăng E5 RON92 và xăng RON95-III được giữ ổn định trong khi giá dầu diesel và giá dầu hỏa, dầu mazut có sự tăng giảm.Trên thế giới, giá dầu chứng kiến một tuần khởi sắc trước những lo ngại về sự sụt giảm nguồn cung từ Iran và báo cáo về lượng dự trữ dầu của Mỹ.
Liên bộ Công Thương - Tài chính đã điều chinh giá xăng dầu kể từ 15h00 ngày 22/8/2018. Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá các mặt hàng xăng E5 RON92 và xăng RON95-III được giữ ổn định giá. Giá dầu diesel 0.05S tăng nhẹ 148 đồng/lít, trong khi đó, dầu hỏa giảm nhẹ 116 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 270 đồng/kg.
Theo điều chỉnh mới từ 15h00' ngày 22/8/2018, giá bán xăng E5 RON92 không cao hơn 19.611 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 21.177 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.686 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 16.263 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.743 đồng/kg.
Lý giải việc điều chỉnh giá xăng dầu kỳ này, liên Bộ cho biết, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 22/8 là 81,785 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 0,234 USD/thùng, tương đương +0,29% so với kỳ trước); 84,332 USD/thùng xăng RON95 (tăng 0,533 USD/thùng, tương đương +0,64% so với kỳ trước); 86,485 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 0,771 USD/thùng, tương đương +0,90% so với kỳ trước); 86,230 USD/thùng dầu hỏa (giảm 0,879 USD/thùng, tương đương -1,01% so với kỳ trước); 444,734 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S (giảm 13,868 USD/tấn, tương đương -3,02% so với kỳ trước).
Giá Etanol E100 đưa vào tính giá cơ sở mặt hàng xăng E5 RON92 theo Công văn số 961/BTC-QLG ngày 21 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính về điều hành kinh doanh xăng dầu là 14.654,5 đồng/lít (chưa có thuế GTGT).
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được chi sử dụng liên tục nhằm hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát.
Liên Bộ chi sử dụng Quỹ bình ổn với xăng E5 RON92 ở mức 1.272 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.194 đồng/lít); xăng RON95 là 697 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 554 đồng/lít); ngừng chi sử dụng quỹ với dầu mazut (kỳ trước chi sử dụng 70 đồng/kg).
Trên thị trường thế giới, giá dầu chứng kiến một tuần khởi sắc, trước những lo ngại về sự sụt giảm nguồn cung từ Iran và báo cáo về lượng dự trữ dầu của Mỹ.
Trên thế giới, tính chung cả tuần, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng hơn 4%, sau bảy phiên giảm liên tiếp, còn giá dầu Brent tăng 5,3%, sau ba tuần đi xuống.
Trong phiên đầu tuần (20/8), giá dầu đi lên khi các nhà đầu tư ngày càng quan ngại về khả năng nguồn cung dầu từ Iran bất ngờ sụt giảm do các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Các nhà giao dịch cho biết các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt với Iran đang hỗ trợ giá "vàng đen". Chính phủ Mỹ đã đưa ra các trừng phạt tài chính đối với Iran và từ tháng 11/2018 cũng sẽ nhắm đến lĩnh vực dầu mỏ của nhà sản xuất dầu lớn thứ ba Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) này.
Sang phiên 21/8, lo ngại về lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran đã giúp giá dầu có lúc vọt lên 72,95 USD/thùng, mức cao nhất của một tuần. Bên cạnh đó, giá dầu còn nhận được hỗ trợ từ số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 5,2 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn gấp ba lần so với dự báo của các nhà phân tích.
Các nhà quan sát nhận định Mỹ đang cố gắng "cản trở" hoạt động xuất khẩu dầu của Iran trong nỗ lực nhằm buộc Tehran đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới và kiềm chế ảnh hưởng của nước này tại khu vực Trung Đông.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên 22/8, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố báo cáo cho thấy lượng dầu dự trữ của nước này giảm 5,8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/8/2018, trong khi thị trường dự kiến chỉ giảm 1,5 triệu thùng. Tới phiên 23/8, giá dầu giảm nhẹ giữa lúc căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc gây áp lực lên nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Theo giới phân tích, bất đồng giữa hai nền kinh tế hàng lớn nhất thế giới đã khiến các nhà phân tích hạ dự báo về lượng tiêu thụ "vàng đen".
Trong phiên cuối tuần (24/8/2018), giá dầu lấy lại đà tăng, trước những tín hiệu cho thấy các lệnh trừng phạt nhắm vào Iran có thể giới hạn nguồn cung dầu thô và "cuộc chiến" thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sẽ không làm giảm lượng dầu thô nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc.
Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,09 USD (1,5%) lên 75,82 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 89 xu (1,3%) lên 68,72 USD/thùng. Theo một số nguồn tin, tập đoàn Unipec (Trung Quốc) sẽ nối lại hoạt động mua dầu Mỹ trong tháng Mười, sau hai tháng tạm ngừng do tranh chấp thương mại.
Ngân hàng BNP Paribas dự báo sản lượng dầu của OPEC sẽ giảm từ mức trung bình 32,1 triệu thùng/ngày trong năm 2018 xuống 31,7 triệu thùng/ngày vào năm 2019. Tuy nhiên, nguồn tin công nghiệp cho hay hoạt động xuất khẩu "vàng đen" từ khu vực phía nam Iraq có xu hướng chạm mức cao kỷ lục mới trong tháng này.

Nhận xét