Biểu giá điện mới điều chỉnh tỷ lệ giá bán lẻ điện bình quân thấp nhất nằm ở nhóm ngành sản xuất và cơ sở lưu trú du lịch.
Dự thảo lần 2 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Chính phủ đang được lấy ý kiến. Hầu hết các nội dung đều giữ nguyên, riêng giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch được hưởng cơ chế giá mới, từ giá sử dụng điện kinh doanh sang nhóm sản xuất.
Biểu giá điện bán lẻ bình quân vẫn ưu ái sản xuất? Ảnh: Lao động
Việc điều chỉnh này được lý giải là nhằm thực hiện theo chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cụ thể, dự thảo cơ cấu giá bán lẻ điện được chia thành 4 nhóm đối tượng khách hàng, gồm ngành sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch; Giá bán lẻ điện cho khối hành chính sự nghiệp; Giá bán lẻ điện sinh hoạt và giá bán lẻ điện cho kinh doanh.
Trong đó, tỷ lệ so với mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh theo thẩm quyền thấp nhất nằm ở nhóm ngành sản xuất và cơ sở lưu trú du lịch với mức 51%, 56%, 59%, 67% giờ thấp điểm, áp dụng cho các cấp điện cao áp, trung áp và hạ áp. Tỷ lệ áp dụng cho giờ bình thường là 81%, 84%, 85% và 92%. Còn giờ cao điểm, tỷ lệ áp dụng so với mức giá điện bình quân được phép điều chỉnh theo thẩm quyền lần lượt là 144%; 150%, 156% và 167%.
Nhóm đối tượng khách hàng là khối hành chính sự nghiệp, tỷ lệ đề xuất dự kiến là 90% và 96% (bệnh viện, nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông). Mức 99% và 103% áp dụng cho khối chiếu sáng công cộng, đơn vị hành chính sự nghiệp.
Đối với nhóm kinh doanh, giá bán lẻ điện được chia theo 2 khối – cấp điện áp từ trung áp trở lên chia gồm mức 75% áp dụng cho giờ thấp điểm, 133% giờ bình thường và 230% giờ cao điểm. Khối cấp điện áp hạ áp có 3 mức lần lượt là 89%, 145% và 248%.
Riêng giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt vẫn chia thành 6 bậc với mức giá tăng dần nhằm khuyến khích các hộ sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó các hộ nghèo theo tiêu chuẩn do Thủ tướng quy định sẽ được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền sử dụng 30kWh tính theo mức giá điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Như vậy, so với dự thảo lần 1, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia làm 6 bậc như cũ: Từ 0-50kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân; từ 51-100kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân; từ 101-200kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân; từ 201-300kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân; từ 301-400kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân; và từ 401kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân.
Mức giá trên đã gây nhiều tranh cãi. Sau đó, Bộ Công thương đã đưa ra 3 phương án, 6 bậc, 3 bậc và 1 bậc.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng , tiêu dùng dưới 50 KWh tức là chỉ có 1-2 ngọn đèn sinh hoạt.
Theo TS Doanh, xã hội hiện đại thì tối thiểu cũng phải có ti vi, tủ lạnh, khi đó tiêu dùng điện vọt lên ngay lập tức. Cho nên, tốc độ lũy tiến trong biểu giá điện cần phải xem xét lại.
"Đồng ý tính đúng, tính đủ, công khai minh bạch các chi phí trong giá điện nhưng phải có mức lũy kế cho thích hợp. Nếu không, số hộ hưởng giá ưu đãi khi sử dụng dưới 50 KWh điện chẳng đáng là bao, còn phần lớn người tiêu dùng phải chịu giá điện trên 100% giá bán lẻ điện bình quân thì mức giá ưu đãi đó chỉ là nói ra cho đẹp thôi", TS Doanh nói.
Tính giá điện 6 bậc nhưng phải tính toán kỹ
Chuyên gia Ngô Trí Long thì nói rằng: "Giá điện mỗi bậc thang phải thấp mới là "cải tiến". Tôi cho 3 phương án biểu giá điện của EVN hiện nay đều có ít nhiều bất cập và phải được tính toán lại cho phù hợp, đặc biệt là giá điện áp cho mỗi loại biểu giá. Qua đây, tôi vẫn thấy, ngành điện xây dựng phương án biểu giá điện vẫn đang tính lợi cho mình nhiều hơn là cho xã hội".
Nhận xét
Đăng nhận xét